• :
  • :
CHÀO MỪNG BẠN ĐẾN VỚI TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ PHÒNG GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO HUYỆN HƯƠNG SƠN
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chùa Tượng Sơn – Những giá trị không bao giờ mai một

Chùa Tượng Sơn – Những giá trị không bao giờ mai một

Related image

          Là những người con sinh ra trên mảnh đất Hương Sơn (Hà Tĩnh) nhưng phải đến khi có cơ hội được tham quan ngôi chùa Tượng Sơn cùng học sinh của trường THCS Trung Phú, chúng em mới có thể được học hỏi, được mở mang thêm nhiều kiến thức cho mình, hiểu thêm về những giá trị văn hoá tâm linh của ngôi chùa trên quê hương.

          Đến huyện Hương Sơn, những du khách muốn thực nghiệm giá trị tâm linh, trở về với nguồn cội đều không quên tìm đến chùa Tượng Sơn, di tích Lịch sử - Văn hóa Quốc gia.

          Chùa có diện tích 1,5 hecta, tọa lạc tại xã Sơn Giang, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh. Chùa nằm xa khu dân cư, phía trước có sông Ngàn Phố, tạo nên vẻ u tịch và trang nghiêm; phía sau Chùa có dãy núi Voi nên chùa được đặt tên là “Tượng Sơn Tự” (chùa Núi Voi). Phía tây, ngay bên chùa là khe suối bắt nguồn từ dãy Đại Huệ, băng qua ghềnh đá, ngày đêm nước chảy ầm ầm.

          Có một điều thú vị là, dân gian đã lấy tiếng ầm ầm của nước khe chảy qua ghềnh đá để gọi tên khe là khe Hầm Hầm, do đó người dân địa phương còn quen với tên gọi là chùa Hầm Hầm.

Chùa được xây dựng vào thời Hậu Lê, đời Lê Dụ Tông (đầu thế kỷ XVIII), theo ý tưởng của bà ngoại của Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông (HTLÔ) Lê Hữu Trác là bà Đặng Phùng Hầu, vợ của Tả hiệu điểm Tham đốc Quận công Bùi Tướng Công. Chùa được xây dựng dưới sự trực tiếp chỉ đạo của HTLÔ Lê Hữu Trác và Lê Hữu Tán, với mục đích dưỡng tâm thờ Phật và thờ phụng liệt tổ hai họ Bùi và Lê Hữu.

 

Trong hình ảnh có thể có: 26 người, mọi người đang cười

         

           Trong những năm 1760 – 1786, Hải Thượng Lãn Ông đã dành phần lớn thời gian lưu lại chùa, mở phòng mạch chữa bệnh cho nhân dân và hoàn thành tác phẩm Hải Thượng Y Tông Tâm Lĩnh gồm 28 tập, 66 quyển, Y Trung Quan Kiện (1780), Y Hải Cầu Nguyên (1782), Thượng Kinh Ký Sự (1783) và Vận Khí Bí Điển (1786) và một số tác phẩm khác.

           Kiến trúc ban đầu của Chùa Tượng Sơn theo hình chữ Nhất. Chùa được trùng tu nhiều lần. Ngày 17/07/2010, Viện Bỏng Quốc gia Lê Hữu Trác được Bộ Y tế giao làm Chủ đầu tư công trình đại trùng tu Chùa Tượng Sơn lần thứ ba, kiến trúc chùa căn bản lấy nguyên mẫu đợt trùng tu lần thứ hai (1880), để Di tích Lịch sử - Văn hóa Chùa Tượng Sơn mãi mãi trường tồn. Sau 32 tháng thi công,  chùa Tượng Sơn  được khánh thành vào ngày 23-02-2013 (nhằm 14 tháng Giêng Quý Tỵ. Trong ngày này, Thượng tọa Thích Nhật Từ được GHPGVN tỉnh Hà Tĩnh bổ nhiệm làm Trụ trì của Chùa Tượng Sơn.

 

Image result for ảnh sư thầy thích nhật từ

 

Ngày nay, Chùa Tượng Sơn đã trở thành ngôi chùa cổ, một di tích lịch sử gắn liền với Đại danh y Lê Hữu Trác, một di tích văn hoá nghệ thuật độc đáo, nơi thu hút nhiều du khách đến tham quan và tu học.

Với sự đóng góp của nhân dân Hương Sơn, sự quan tâm của chính quyền địa phương và Nhà nước, của Bộ Y tế cụ thể là Viện bỏng quốc gia Lê Hữu Trác, cụm khu di tích Lê Hữu Trác đang được xây dựng tu bổ lại uy nghi hoành tráng với các khu di tích thành phần như Tượng đài Lê hữu Trác, khu mộ, khu di tích vườn thuốc, nhà đón tiếp, bãi xe… dần dần đưa cụm di tích ngày một xứng tầm với mục đích là nơi tôn vinh công lao, vị thế của Hải Thượng Lãn Ông đã cống hiến cho đất nước, đặc biệt là ngành y học cổ truyền của dân tộc.

Dự án tu bổ quần thể di tích Lê Hữu Trác trong đó có chùa Tượng Sơn, nhằm tôn vinh những đóng góp to lớn của Đại danh y cho đất nước, xứng đáng với tầm cỡ của một cụm công trình đã được xếp hạng di tích lịch sử văn hoá quốc gia, nhằm giữ lấy những giá trị vật thể mà Đại danh y đã để lại đang ngày một mai một.

Với chúng em, đây thực sự là những trải nghiệm giá trị khi được biết đến những ý nghĩa đẹp đẽ của di tích Lịch sử - Văn hoá Quốc gia. Qua đó giáo dục truyền thống cho chúng em, những học sinh đang ngồi trên nhà trường; tầng lớp viên chức ngành y học cổ truyền nói riêng và ngành y nói chung về cái tâm, cái đức của một người thầy thuốc mẫu mực, không ngoảnh mặt trước bệnh tật, hết lòng nghiên cứu, cứu chữa bệnh nhân không kể sang hèn, đúng với câu nói “Lương y như từ mẫu”.

                                                                                                                                               Tác giả

                                                                                                                                                 Lê Nhật Lệ


Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết